Làng nghề thêu ren Văn Lâm

Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, nằm trong quần thể khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, những người nghệ nhân vẫn ngày đêm tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ. Họ thêu cốt để giữ gìn nét đẹp truyền thống của cha ông, cốt để mang đến cho bạn bè khắp bốn phương những tác phẩm được hoàn thành từ những sợi ren ‘nhỏ mà có võ. Để rồi mặc thời gian thoi đưa, họ vẫn ở đó, bền bỉ và cần mẩn theo tháng năm, chủ yếu để lớp trẻ sau này có cái mà nhận ra đất nước mình còn đó những nghề truyền thống đặc biệt...

Tương truyền sau khi vua Trần dời đô về Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2. Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ thái sư Trần Thủ Độ, đã cho các cung nữ truyền dạy cho dân địa phương nghề thêu ren cung đình.

Phát huy truyền thống của quê hương năm 1910, hai cụ Đinh Ngọc Hênh, Đinh Ngọc Xoan là người làng Văn Lâm, đã lặn lội lên Hà Nội để học nghề thêu ren của người Pháp. Khi đã học được nghề, các cụ về dạy lại cho dân làng. Đến nay nghề thêu ren đã có trên 700 năm.

 


Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm đã khéo léo thay đổi để phù hợp với nhu cầu của mọi người


Hiện nay, ở gần bến đò làng Văn Lâm, vẫn còn ngôi đền thờ 3 vị tổ sư nghề thêu, đó là Quốc tổ nghề thêu Lê Công Hành, 2 cụ ông Đinh Ngọc Hênh, Đinh Ngọc Xoan (theo một nguồn tin khác thì tổ nghề là ông Đỗ Công Hậu, một vị tướng thời Trần không chỉ giỏi binh nghiệp mà còn có tấm lòng và đôi tay tài hoa. Trong một lần giao lưu tướng tài tại Trung Hoa, ông đã có dịp chiêm ngưỡng một bức trướng tuyệt đẹp với đường kim mũi chỉ thật tinh tế. Trong vai trò người thưởng lãm, ông đã dụng công quan sát tỉ mẩn để tìm hiểu về nguyên lý chế tác và đưa những kiến thức tích cóp được về truyền lại cho dân làng).

Để nói lên lòng ngưỡng vọng và sự trân trọng đối với tiền nhân đã có công truyền nghề cho con cháu, người Văn Lâm đã lập đền thờ tổ nghề thêu. Trên cột đá của đền có tạc hai câu đối thật ý nghĩa: “Mỹ nghệ hoa văn truyền hậu thế – Tài hoa cẩm tú ngưỡng tiên sinh”.

Trước đây, người dân làng Văn Lâm chuyên thêu các sản phẩm phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong lễ hội: Quần, áo, mũ của đội tế;Tàn, lọng, y môn trong các ngôi đình, đền đều có sự đóng góp, sáng tạo của người thợ thêu làng Văn Lâm. Trải qua những thăng trầm của thời gian, người dân Văn Lâm vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, đã có những bước đột phá mới trong mẫu mã, sản phẩm của mình. Từ chỗ chỉ thêu các đồ thờ trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các nghệ nhân Văn Lâm đã đổi mới, sáng tạo thêm các loại hình sản phẩm mới: thêu những loại khăn trải bàn, khăn ăn,… Bạn có thể bắt gặp những món đồ đến từ làng Văn Lâm ở bất kỳ nơi đâu.

 


Ngày nay, làng nghề thêu ren Văn Lâm chuyên sản xuất các loại vật dụng trang trí nội thất, phục vụ đời sống sinh hoạt: rèm, khăn trải bàn, khăn ăn, vỏ chăn ga, gối, quần áo thời trang. Nhiều gia đình thêu ở Văn Lâm đã sáng tạo ra những loại hình sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng như các loại tranh thêu: tùng, cúc, trúc, mai, tranh sơn thủy hữu tình, tranh mừng thọ hay các loại tranh con vật.

Về nguyên liệu, đối với nghề thêu ren thì nguyên liệu cơ bản là vải, kim, các loại chỉ thêu. Làng nghề Văn Lâm thường nhập các loại chỉ thêu nội địa theo các mối tại các công ty, ngoài ra loại chỉ thêu của Pháp cũng được người thợ thêu ren Văn Lâm ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Đối với mặt hàng kim, vải thêu, làng nghề Văn Lâm thường nhập từ Pháp, Ý, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc.
Để đưa làng nghề đến gần hơn với mọi người, người dân làng Văn Lâm đã kết hợp làng nghề và khai thác du lịch. Những du khách đến đây sẽ được hòa mình vào không khí làng Văn Lâm đồng thời được tận mắt chứng kiến từng công đoạn thêu tại nơi đây.

Những sản phẩm đến từ làng Văn Lâm ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt là trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, làng nghề Văn Lâm đã góp mặt vào cuộc triển lãm kỷ niệm 1000 năm Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư raThăng Long bằng một tuyệt tác kỷ lục, đó là bức tranh thêu“Cội xưa”có chiều dài hơn 200m và chiều rộng gần 3m, đã được 700 tay thợ tài hoa Văn Lâm bền bỉ hoàn thành sau gần 1 năm lao động chuyên chăm. Bức tranh là bản phác thảo về cố đô Hoa Lư trong buổi đầu dựng nước trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, đồng thời cũng diễn tả quang cảnh vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đã thực sự tạo ấn tượng nơi người thưởng lãm và là một cách tiếp thị độc đáo, giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến làng thêu ren Văn Lâm với cả lòng ngưỡng mộ.

Tháng 11/2007 Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã công nhận Làng nghề thêu ren Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước

Mặc thời gian thoi đưa, Làng Nghề Thêu Ren Văn Lâm vẫn luôn ở đấy. Những người nghệ nhân vẫn cần mẩn ngày đêm để cho ra đời những tác phẩm đặc biệt, để đưa cái nghề của cha ông đến được với bao thế hệ trẻ và giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết chẳng thể tắt. Qua từng đường kim mũi chỉ, dường như ta có thể cảm nhận được trọn vẹn hồn Việt năm nào.

Bạn đang xem: Làng nghề thêu ren Văn Lâm
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0985216455
x